(Chinhphu.vn) – Chiếm đến 70% trong cơ cấu sản phẩm chăn nuôi, giá thành thức ăn chăn nuôi (TACN) dường như chưa bao giờ thôi là nỗi lo của những người chăn nuôi.
Theo Bộ NNPTNT ước tính chỉ 2 năm nữa, năm 2015, tổng sản lượng thịt xẻ sẽ đạt 4,3 triệu tấn, tổng sản lượng sữa sẽ đạt 700.000 tấn, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cũng đạt 3,65 triệu tấn…
Với sản lượng trên của ngành chăn nuôi, dự tính sẽ cần đến 28,133 triệu tấn thức ăn tinh,21,7 triệu tấn thức ăn năng lượng, khoảng 4,9 triệu tấn thức ăn đạm. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các DN sản xuất TACN trong và ngoài nước.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cho biết các công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài nắm giữ 65-70% thị phần. Hầu như các tập đoàn sản xuất TACN lớn của thế giới đã có mặt ở Việt Nam như: CP Group (Thái Lan), Cargill (Hoa Kỳ), NewHope (Trung Quốc)… Nhưng ngay cả phần còn lại của thị trường TACN cũng dường như đang trở nên quá lớn đối với DN TACN trong nước.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex Đoàn Trọng Lý nói: “Năm 2012 vừa qua là cả 1 năm cực kỳ khốn đốn, chỉ có những DN nào vừa sản xuất TACN vừa chăn nuôi mới thấy hết được những khó khăn. Chúng ta hoàn toàn thụ động cả về nguyên liệu lẫn đầu ra”.
Vậy là, thị trường “trăm người bán, vạn người mua” tưởng như là mảnh đất màu mỡ cho DN thì thực tế lại dần thưa thớt.
Lý do thường được các DN TACN trong nước viện đến là do họ phải cạnh tranh không cân sức với các DN ngoại. Ông Đoàn Trọng Lý cho biết: “Hiện lãi suất của các DN ở Thái Lan vay chỉ ở mức 3%, Trung Quốc 5%, Mỹ 0,5%… với mức đó, các DN nước ngoài chỉ đưa tiền vào Việt Nam, không cần làm đã ăn lãi gần 10%. Trong khi, DN của Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ lại thiếu vốn, muốn cạnh tranh với các DN FDI chẳng khác nào đem trứng chọi đá”.
Tuy nhiên, ông Lê Bá Lịch lại cho rằng: “DN nước ngoài sản xuất TACN tại Việt Nam có thể chiếm đến 65-70% thị phần hiện nay nhưng bảo họ thao túng giá là không đúng. Để đầu tư một dây chuyền sản xuất TACN chất lượng như của họ mất rất nhiều kinh phí. Nhập khẩu nguyên liệu cũng cao, rồi còn bao nhiêu chi phí vận chuyển, bến bãi, kiểm dịch, hải quan… Họ mà không có người mua thì họ cũng chết!”
Bằng chứng rõ nhất là tính từ năm 2010 đến nay, giá TACN tăng khoảng 15%, so sánh với mức lạm phát, chỉ số CPI và cả biến động tỷ giá USD thì thấy mức tăng này hoàn toàn hợp lý.
Vấn đề mấu chốt để các DN trong nước phải ngậm ngùi rời bỏ thị trường tiềm năng này là việc chưa sản xuất được các thức ăn có thành phần các chất giàu dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao được trộn sẵn dùng bổ sung vào thức ăn hỗn hợp nhằm cân đối các chất dinh dưỡng (hay còn gọi tắt là Premix). Trong khi đó, các công ty nước ngoài sản xuất hàng trăm ngàn tấn premix bán trên thị trường Việt Nam, hàng chục năm nay không hề có đối thủ cạnh tranh.
Áp lực từ thị trường TACN ngày một tăng khi người chăn nuôi than nguyên liệu đầu vào đắt, người sản xuất TACN kêu khó khăn. Thị trường lớn nhưng cả cung và cầu đều bế tắc, chắc chắn giải pháp để thông suốt thị trường không phải ngày một ngày hai mà cần một giải pháp căn cơ đòi hỏi đổi thay từ gốc.
Nguồn tin: baomoi.com


