Question: Bệnh phù ở lợn con? Cách điều trị như thế nào?
Answer: Bệnh phù mặt lợn con do các chủng E.coli O138, O139, O141, K81, K82, K85 gây ra. Các E.coli này có đặc điểm gây dung huyết khi cấy trên thạch máu. Các chủng E.coli gây bệnh phù đầu sản sinh một chất có hoạt tính sinh học làm tổn thương thành mạch quản gọi là EDP kém chịu nhiệt, dễ bị kết tủa bởi Acid hoặc Amonium sulphate, dễ hòa tan trong dung dịch kiềm.
Vi khuẩn E.coli dung huyết gây bệnh phù đầu thường xuyên có mặt trong đường ruột lợn với một số lượng rất nhỏ Khi xuất hiện các yếu tố bất lợi với sức đề kháng cơ thể lợn như cai sữa, thay đổi thời tiết hoặc thức ăn, quần thể E.coli gây bệnh sẽ phát triển nhanh đến mức tạo ra một lượng lớn EDP đủ gây tổn thương thành mạch quản dẫn đến phát sinh bệnh này.
2. Dịch tễ học
Bệnh phù đầu thường xảy ra sau khi cai sữa 1-2 tuần và tuổi lợn con mắc bệnh nằm trong khoảng 4 – 12 tuần. Đôi khi bệnh phù đầu xuất hiện rất sớm có khi 4 ngày tuổi hoặc rất muộn ở lợn con.
Biện pháp cai sữa sớm lợn con cũng là một yếu tố có thể làm gia tăng sự xuất hiện bệnh.Bệnh phù đầu thường thấy xuất hiện ở những lợn con phát triển nhanh khoẻ mạnh và thông thường những lợn con tốt nhất trong đàn mắc bệnh đầu tiên. Diễn biến của bệnh trong vòng 4-14 ngày.
Tỷ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 15 % đàn lợn con và 30-40% số ổ lợn, tỷ lệ chết nằm trong khoảng 50-90%. Sức đề kháng đối với bệnh tật khác nhau phụ thuộc vào đặc tính di truyền của lợn. Những lợn dễ mẫn cảm với bệnh E.coli gây bệnh lưu trú và phát triển ở ruột non, sản sinh EDP hấp thu vào máu gây tổn thương thành mạch quản.
Các yếu tố Stress tạo điều kiện cho bệnh phù đầu bùng phát sau khi cai sữa lợn con có thể là:
– Tiêm chủng vaccine.- Vận chuyển mua bán lợn con.
– Sắp xếp lại đàn.
– Thay đổi thức ăn đột ngột.
– Biến động thời tiết làm cho lợn con bị lạnh.
Bị lạnh đột ngột dẫn đến giảm như động ruột sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho E.coli gây bệnh và phát triển ở ruột non tới mức có thể gây bệnh. Đây là một yếu tố Stress thường gặp cần được lưu ý đề phòng. Sự thừa dinh dưỡng cũng tạo điều kiện vi khuẩn phát triển ở ruột non. Vì vậy cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý đối với lợn con cai sữa.
3. Triệu chứng và bệnh tích
Thường xảy ra một cách đột ngột với các triệu chứng ban đầu là bỏ ăn và rất khát nước, sau đó xuất hiện các triệu chứng thần kinh.
Dấu hiệu thần kinh đặc trưng của bệnh là lúc đầu không phối hợp được hoạt động, run rẩy, nằm đạp chân kiểu bơi chèo hoặc chạy quanh, liệt hoặc nằm úp trên 4 chân. Đa số lợn con sẽ chết trong vòng 24 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng thần kinh. Kiểm tra kỹ, thấy phù ở mí mắt và xung huyết kết mạc mắt. Hiện tượng phù tổ chức liên kết có thể lan rộng khắp mặt và có thể dẫn đến triệu chứng điển hình phù đầu.
Ngoài ra còn thấy khó thở, táo bón hoặc tiêu chảy trước khi xuất hiện triệu chứng thần kinh.Đa số không thấy thân nhiệt tăng cao.
4. Chẩn đoán
Chẩn đoán dễ dàng trên cơ sở dựa vào các đặc điểm dịch tễ học là chỉ xảy ra sau khi cai sữa 1-2 tuần với các triệu chứng thần kinh, phù nề ở niêm mạc mặt và dạ dày.
5. Phòng bệnh
– Tập cho lợn ăn sớm để quen dần và nâng cao khả năng tiêu hóa thức ăn.
– Hạn chế mức ăn về năng lượng và protein đồng thời tăng thức ăn thô xanh cho lợn cai sữa.
– Vệ sinh chuồng trại tốt để giảm bớt số lượng E.coli gây bệnh ở môi trường.
– Cho ăn thêm premix kháng sinh để ngăn chận E.coli gây bệnh phát triển ở ruột non.
– Hạn chế các tác nhân bất lợi cuả môi trường.
– Hiện nay đang nghiên cứu chọn lọc các dòng nái có sức đề kháng cao với E.coli và vaccine có hiệu lực phòng bệnh này.
6. Trị bệnh
– Giảm huyết áp bằng biện pháp chích máu hoặc sử dụng các thuốc giảm huyết áp.
– Tẩy sạch độc tố đường ruột bằng phương pháp cho uống hoặc thụt hậu môn dầu khoáng hoặc muối MgSo4.
– Cho uống kháng sinh chống E.coli và các vi khuẩn kế phát.
– Giảm lượng thức ăn tinh và tăng thức ăn thô xanh cho đàn lợn.